HOÀNG ĐẾ LÊ THÁNH TÔNG BẢO VỆ NỮ QUYỀN THÔNG QUA LUẬT HỒNG ĐỨC NHƯ THẾ NÀO?

Lê Thánh Tông.jpg

Tượng đồng vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội 

Xã hội thời Lê Sơ được quản lý theo mô hình Nhà nước mẫu mực của Nho giáo, với những quy định chặt chẽ về mối quan hệ giữa người với người. Lâu nay, thông qua các tác phẩm văn học của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du ... mà đã đưa vào suy nghĩ của không ít người về "số phận khốn cùng của người phụ nữ thuở xưa", đó là những "tiếng kêu thắt lòng" đầy ai oán.

"Tiếng gà xao xác gáy trên vòm
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om"
(Tự Tình - Hồ Xuân Hương)

Tuy nhiên, đó là văn học, là "ánh trăng lừa dối". Tìm hiểu về luật pháp trung đại và hiểu về văn hóa xưa ta sẽ thấy phụ nữ Việt không đến nỗi "bi ai" như thế. Thông qua bộ luật Hồng Đức, triều đình trung ương Lê Sơ đã có những điều luật bảo vệ "nữ quyền" khá ấn tượng, một điểm sáng của xã hội Đại Việt.
Thật vậy, Bộ Luật Hồng Đức là đỉnh cao của pháp luật trung đại nước nhà, mà ở đó ta thấy hình dáng một chế độ bình đẳng giới, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai dòng họ và quyền bình đẳng của vợ chồng. Thông qua những quy định chặt chẽ, quyền lợi và giá trị của người phụ nữ được nâng cao.

1. Bình đẳng trong lao động.

Trong lao động, người phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam, "không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà".
Điều 23 trong "Luật Hồng Đức" quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng.
Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy các nhà làm luật đã đánh giá cao năng lực lao động và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội.

2. Bình đẳng trong hôn nhân. Phụ nữ có quyền ly hôn.

Điều 322 quy định "Con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ"..
Kết hôn rồi, nếu như "con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, việc đem thưa quan sẽ cho ly dị". Việc này được quy định tại Điều 333 Luật Hồng Đức.
Trong trường hợp người chồng không chăm nom, săn sóc vợ chu đáo thì họ được phép đến nhà đương chức xin ly hôn trong 5 tháng (1 năm – nếu vợ đã có con). Điều 308: Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho hạn một năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này.
Vậy nếu người vợ "ăn ở không ra gì" thì sao? Luật Hồng Đức cũng có điều khoản để bảo vệ người phụ nữ nếu chồng đệ đơn ly dị. Điều 310 quy định "Vợ, nàng dâu đã phạm vào điều "thất xuất" mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ".
Tuy nhiên, người chồng sẽ không thể ly hôn được nếu như khi phạm vào điều thất xuất người vợ tam bất khứ (một trong 3 trường hợp sau):
- Đã để tang nhà chồng 3 năm;
- Khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; .
- Khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về.
Về giấy tờ pháp lý, Điều 167 trong Hồng Đức thiện chính thư quy định rõ hình thức nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng chứng.
Các nhà lập pháp thời kỳ này đã chú ý đến việc bảo vệ quyền cho người phụ nữ, giải phóng họ trong những trường hợp hôn nhân không hạnh phúc và toàn quyền quyết định tương lai của mình.

3. Bảo vệ trinh tiết người phụ nữ

Nếu xã hội hiện đại có những điều khoản chặt chẽ để bảo vệ người phụ nữ. Luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có những điều, khoản quy định rõ về các tội Cưỡng dâm, Hiếp dâm, Dâm ô ....
Tuy nhiên, ít người biết rằng hơn 5 thế kỷ trước, thông qua Luật Hồng Đức, những loại tội phạm này cũng bị trừng trị nghiêm khắc. Vấn đề này được quy định thông qua các điều luật sau đây:
- Điều 338: Những nhà quyền thế mà ăn hiếp lấy con gái kẻ lương dân, thì phải tội phạt, biếm hay đồ.
- Điều 402: Quyến rũ con gái chưa có chồng, thì phải tội “phàm gian” (tội gian thường), và phải nộp tiền tạ, nhiều ít tính theo bậc sang hèn, cho cha mẹ người con gái. Người con gái không phải tội; người dắt mối thì phải tội đồ hay lưu.
- Điều 403: Cưỡng gian thì phải tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ hơn tiền tạ về tội phàm gian một bậc; nếu làm người đàn bà bị thương thì phải tội hơn tội đánh nhau bị thương một bậc; đến chết thì điền sản kẻ phạm tội phải đền cho nhà người bị chết.
- Điều 404: Thông gian người con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái nghe theo, cũng vẫn phải tội cưỡng gian.
Bạn sẽ thật sự ngạc nhiên về những điều khoản này phải không? Hơn 500 năm trước, các nhà làm luật của Đại Việt đã xây dựng những quy định tiến bộ như vậy cho thấy một tư tưởng tiến bộ và truyền thống văn hóa "tôn trọng phụ nữ" của người Việt

4. Quyền sở hữu tài sản.

Tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn:
- Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng;
- Tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ
- Tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân.
Khi gia đình đang tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Điều này khác với quan điểm lâu nay mà chúng ta vẫn nghĩ về xã hội phong kiến, vốn dĩ bất bình đẳng, người phụ nữ không đóng góp gì cho xã hội và gia đình. Ngược lại, ngay từ thời kỳ đó, người phụ nữ đã chứng tỏ mình cũng đóng góp công lớn vào duy trình và xây dựng tổ ấm gia đình.
Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, Luật không phân biệt con trai – con gái.
- Điều 388: Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con.
- Điều 391: Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng. Ruộng hương hỏa giao cho con trai, cháu trai, nếu không có thì giao cho cháu gái ngành trưởng.

5. Giảm nhẹ hình phạt cho phụ nữ.

Những điều khoản trong Luật Hồng Đức có những "tình tiết giảm nhẹ TNHS" cho người phụ nữ.
- Điều 1, khi phạm tội đồ hoặc lưu, nam phạm nhân bao giờ cũng bị đánh thêm trượng, còn nữ phạm nhân chỉ phải tội chịu roi.
- Điều 403: Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc so với đánh người thường bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết.
- Điều 429: Ăn trộm mà có cầm khí giới thì phải khép vào tội ăn cướp; nếu giết người thì bị khép vào tội giết người. Đàn bà được giảm tội".
- Điều 441: Trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là "tớ gái thì được giảm tội.
- Điều 680, nữ phạm nhân bị tội tử, tội xuy mà đang có thai thì phải đủ 100 ngày sau khi sinh con mới bị đem ra hành hình hoặc đánh roi.

Dù thân phận người phụ nữ khá "mỏng manh" trong lòng xã hội, một địa vị thấp hơn trong gia đình và xã hội so với người chồng của họ, thế nhưng Luật Hồng Đức vẫn mang dáng dấp văn hóa cội nguồn của người Việt là "thờ Mẫu". So với xã hội Trung Hoa và phương Tây trong cùng thời điểm thì đó là "những ánh sáng hiếm" cho người phụ nữ Việt.

Nguồn tra cứu: Luật Hồng Đức
Nguồn ảnh: Đại Nam Phục Ảnh

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, ngoài trời

Comments

Popular posts from this blog

TRUYỀN THUYẾT 9 ĐỨA CON CỦA RỒNG – LONG SINH CỬU PHẨM

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - ĐỨC PHẬT GIỮA HOÀNG TRIỀU

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN