NHỮNG ĐẠI DỊCH TRONG LỊCH SỬ


Đại dịch khủng khiếp nào đoạt mạng nhiều người nhất lịch sử? - Báo ...

I.    Bệnh Dịch Hạch



Căn bệnh dịch hạch - “Cái Chết Đen” là một trong những dịch bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Ở thế kỷ thứ 14, dịch bệnh này đã tàn phá châu Âu và châu Á thông qua con đường truyền bệnh là giao thương buôn bán tại các thành phố cảng. Đại dịch này đã tác động rất lớn đến xã hội châu Âu, mở ra bước ngoặt lịch sử, đồng thời cũng là một thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

 Người ta từng nghĩ rằng bệnh dịch hạch này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra đại dịch này bắt nguồn từ một vùng thảo nguyên có chứa dịch bệnh kéo dài từ phía Tây Bắc bờ biển Caspi vào miền nam nước Nga. Trong một cuộc tấn công thương nhân người Ý do người Mông Cổ phát động ở Kaffa (ngày nay là Feodosia) thuộc bán đảo Crimea, dịch bệnh đã bùng phát từ những kẻ bao vây thị trấn, từ đó xâm nhập vào những người dân sống tại đây.

 Đến mùa xuân năm 1347, người Ý đã chạy trốn trên tàu của họ và mang theo dịch bệnh về châu Âu. Chỉ 2 quốc gia là Iceland và Phần Lan đã thoát khỏi sự tấn công của dịch bệnh này. Đến tận thế kỉ thứ 19, nhà khoa học Alexandre Yersin đã tìm ra nguyên nhân của dịch hạch này là do vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra. Đây là một loại vi khuẩn kí sinh trong loài gặm nhấm hoang dã, thường là chuột đen sống trong môi trường sống của con người. Thông thường, bọ chét tập trung ở các đàn chuột và sau đó tấn công con người. Loại vi khuẩn này tạo ra các hạch bạch huyết sưng đỏ và rỉ máu, thường gặp nhất ở trên háng, đùi, nách hoặc trên cổ. Do đó có tên là bệnh dịch hạch.

 Thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày. Bệnh lan truyền từ những con chuột ra cộng đồng người mất trung bình từ 23 ngày trước khi người bệnh đầu tiên chết. Theo ước tính, từ năm 1348 - 1350, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của gần một nửa dân số Anh và giết chết từ 75- 200 triệu người trên toàn thế giới. Sự tàn phá khủng khiếp của nó đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn lao trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay các chuyển đổi cơ bản về kinh tế xã hội, làm thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử của châu lục này.

 Vào thời gian đó, bởi vì không một ai biết cách chữa trị, dịch bệnh này đã trở thành một bí ẩn mang tính tâm linh. Người dân và thậm chí là tầng lớp cai trị ở châu Âu bất lực trước thảm cảnh và đổ lỗi cho nhà thờ và dần mất đi đức tin vào Chúa. Họ sống hoang dã và vô đạo đức hơn, số khác lại trở nên tuyệt vọng với cuộc sống và chấp nhận số phận của họ. Bệnh dịch Black Death đã gây ra biến đổi lớn về mặt tâm lí, đạo đức và tôn giáo của người dân. Đây là một cú đánh mạnh vào đời sống xã hội và gia đình của cộng đồng châu Âu.

 Một số nhà sử học cho rằng chính điều này đã mở đường cho sự xuất hiện của các Lollards- nhóm người chống lại giáo sĩ Công giáo ở Anh. Bên cạnh đó tâm lý bài trừ Do Thái cũng xuất hiện vì họ bị xem là kẻ ngoại đạo và mang lại dịch bệnh, đây là nguyên nhân chính của các cuộc thảm sát người dân Do Thái tại châu Âu.

 Xét về sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên kinh tế nước Anh, dịch bệnh đã làm các địa chủ ở Anh đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực cực kì trầm trọng, dẫn đến chi phí lao động tăng vọt. Chế độ phong kiến Anh nỗ lực kiểm soát chi li các vấn đề kinh tế, họ nỗ lực giảm thiểu đồng lương của người lao động xuống mức thấp bằng cách thông qua Pháp lệnh về người làm công (1349) và Điều lệ về người làm công (1351). Tuy nhiên, các đạo luật này đã gây ra sự bất bình cho người lao động và vẫn không giải quyết được vấn đề cung cầu về nhân lực của nền kinh tế sau đại dịch.

 Về mặt xã hội, vì thiếu hụt 1 lượng lớn lao động, các chủ đất phải đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn để thu hút nông dân thuê ruộng. Các làn sóng những người nhập cư sau dịch bệnh đã lợi dụng cơ hội này để tạo ra của cải và mua lại những mảnh đất nhỏ, tầng lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện. Theo các nghiên cứu gần đây, việc tư hữu tài sản của họ đã mở ra thị trường đầu cơ tích trữ.

Nhìn chung, đại dịch hạch “Cái Chết Đen” là một đại dịch kéo dài qua nhiều thế kỉ. Từ thế kỉ XIV - XVII, có hơn 100 đại dịch hạch quét qua châu u, trong đó một số đại dịch đáng kể như đại dịch hạch ở Ý (1629-1631), Sevillia (1647-1652), London (1665-1666) và Viên (1679). Những đại dịch này không chỉ gây biến đổi cơ bản về cấu trúc xã hội châu Âu thời Trung Cổ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến các nước châu Âu ở đầu thời kì Phục Hưng.

Tài liệu tham khảo:

Bell, Adrian R., Andrew Prescott, Helen Lacey, History of Finance and Research Dean, and Digital Humanities. “What Can the Black Death Tell Us about the Global Economic Consequences of a Pandemic?” The Conversation, March 14, 2020. https://theconversation.com/what-can-the-black-death-tell-us-about-the-global-economic-consequences-of-a-pandemic-132793.

History.com Editors. “Black Death.” History.com. A&E Television Networks, September 17, 2010. https://www.history.com/topics/middle-ages/black-death.

“Impacts of the Black Death.” History Crunch - History Articles, Summaries, Biographies, Resources and More. Accessed March 18, 2020. https://www.historycrunch.com/impacts-of-the-black-death.html#/.

The Editors of Encyclopaedia Britannica. “Black Death.” Encyclopædia Britannica. Encyclopædia Britannica, inc., December 13, 2019. https://www.britannica.com/event/Black-Death.

II. CÚM TÂY BAN NHA




II. CÚM TÂY BAN NHA

Năm 1918, vào thời điểm Chiến tranh thế giới lần thứ I vừa kết thúc, nhân loại đã phải đối mặt với một thảm họa còn khủng khiếp không kém những gì họ trải qua trong cuộc chiến. Một mầm bệnh khủng khiếp lây nhiễm cho 500 triệu người toàn cầu mang tên cúm lợn H1N1 (cúm Tây Ban Nha). Vào thời điểm mà đại dịch này kết thúc, người ta thậm chí không thể thống kê chính xác số người tử vong, con số ước tính dao động từ 20 đến 50 triệu và thậm chí là 100 triệu người - xấp xỉ 3% dân số thế giới bấy giờ.

 Khởi nguồn của cúm Tây Ban Nha được ghi nhận chính xác là khu vực Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) thế nhưng thông tin này đã bị kiểm soát để tránh ảnh hưởng đến chiến tranh. Mặt khác, cái tên cúm Tây Ban Nha xuất phát từ việc đây là vốn một quốc gia trung lập trong chiến tranh và là nơi đầu tiên báo cáo về chủng virus này. Trong suốt 18 tháng, đại dịch này hoành hành từ California (Hoa Kỳ) đến Calcutta (Ấn Độ) và thậm chí là những đảo quốc xa xôi như Nhật Bản, Australia vẫn ghi nhận số người chết khổng lồ. Sau này, thông qua nhiều nghiên cứu người ta cho rằng loài chim là lý do khiến chủng virus cúm lợn này có tốc độ lây nhiễm kinh hoàng. Chúng mang mầm bệnh khắp nơi mà không có phương pháp nào có thể ngăn chặn hiệu quả vào thời điểm bấy giờ.

 Cúm Tây Ban Nha được chia thành 2 đợt bùng phát chính. Đợt cúm đầu bắt đầu vào mùa xuân năm 1918, với những triệu chứng của bệnh cúm thông thường như cảm lạnh, sốt và mệt mỏi trong người khiến người ta không tránh khỏi chủ quan. Vào mùa thu cùng năm, đợt cúm thứ hai bùng phát và chúng trở thành căn bệnh chết người. Bệnh nhân sau vài ngày hay thậm chí vài giờ phát bệnh sẽ có nước da tái xanh, nhiễm trùng phổi, suy hô hấp và chết. Điều đáng nói ở chủng virus này là nó khiến người trẻ có hệ miễn dịch hoàn chỉnh hơn có tỷ lệ tử vong cao hơn người già và trẻ em, vốn có hệ miễn dịch kém hơn.

Tuy phải trải qua một cuộc khủng hoảng nhân lực “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử nhưng có rất ít tài liệu mô tả cụ thể tình hình kinh tế thế giới trong giai đoạn bệnh dịch hoành hành. Các báo cáo tình hình kinh tế ở châu Mỹ và châu u đều mô tả sản lượng sản xuất, hoạt động giao thương suy giảm nghiêm trọng. Ở một số bang của Mỹ như Arkansas, Tennessee hệ thống liên lạc, giao thông đường sắt bị tê liệt. Điều đáng chú ý là trong danh sách người Mỹ thiệt mạng vì cúm Tây Ban Nha có tên Frederick Trump, một doanh nhân bất động sản và cũng là ông nội của tổng thống Donald Trump.

 Về phía châu Âu, thảm họa còn tồi tệ hơn khi họ phải đối mặt với bệnh dịch trong tình trạng phải khắc phục hậu quả chiến tranh. Các nghiên cứu về giai đoạn này ngày nay vẫn vấp phải khó khăn do thiếu số liệu là minh chứng cho sự kinh khủng của chủng virus này. Tuy nhiên khi đại dịch này kết thúc vào năm 1920, người ta nhận ra rằng hệ miễn dịch của những người còn sống đã phát triển mạnh hơn và khiến chủng virus này biến mất.

Thế nhưng đến thế kỉ XXI, nhân loại lại một lần nữa thấy sự phải đối mặt với H5N1- chủng virus cúm có sự tương đồng với cúm Tây Ban Nha. Cúm gia cầm H5N1 tuy không đạt đến con số lây nhiễm quá lớn nhưng tỷ lệ tử vong lại cao gấp 3 lần, qua đó đòi hỏi con người thúc đẩy quá trình nghiên cứu phòng ngừa các đại dịch.

Tài liệu tham khảo:

History.com Editors. 2010.“Spanish Flu”.Last modified February 2, 2020. Accessed 18 March 2020 https://www.history.com/topics/world-war-i/1918-flu-pandemic

Billings, Molly. 1997.“The Influenza Pandemic of 1918”. Accessed 19 March 2020 https://virus.stanford.edu/uda/

Akihiko Kawana, Go Naka, Yuji Fujikura, Yasuyuki Kato, Yasutaka Mizuno, Tatsuya Kondo, and Koichiro Kudo.“Spanish Influenza in Japanese Armed Forces, 1918–1920”. Accessed 20 March 2020 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2725954/



III. ĐẠI DỊCH EBOLA



Từ năm 1960, khi 17 quốc gia trên Lục địa đen giành được độc lập, phần lớn vẫn duy trì hệ thống chính trị không hoàn thiện với bộ máy quản lý đất nước yếu kém. Trước sự vơ vét, bóc lột về kinh tế của các cường quốc kinh tế phương Tây và phương Đông, không ít quốc gia chìm trong khủng hoảng và lạc hậu. Nợ nước ngoài, nạn đói, bệnh tật, tình trạng mù chữ, sự bùng nổ dân số và các cuộc xung đột triền miên cũng góp phần đe dọa sự phát triển của các nước này. Vì thế, khi đại dịch Ebola bất ngờ bùng phát, các quốc gia Tây Phi này gặp khó khăn về nhiều mặt trong đời sống xã hội.

 Về mặt kinh tế, căn bệnh đã gây suy kiệt nhanh chóng nguồn nhân lực của các quốc gia Châu Phi khiến một số ngành thiếu lao động nghiêm trọng, điển hình là ngành khai thác quặng. Nhiều công ty phải sơ tán nhân viên nước ngoài ra khỏi vùng dịch, đóng cửa nhiều mỏ khiến ngành công nghiệp đang rất phát triển này lâm vào tình trạng khó khăn.

Thêm vào đó, nhằm ngăn virus lây lan, chính quyền các nước đã tiến hành cách ly nhiều khu vực cộng đồng, khiến nông dân không thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Do đó, các quốc gia bùng phát dịch ebola phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng do lĩnh vực nông nghiệp chiếm một phần hai sản lượng kinh tế của các nước. Theo tờ Wall Street Journal, các công ty Trung Quốc đang sơ tán công nhân khỏi các nước có dịch Ebola tại Tây Phi, khiến hoạt động thương mại tại các nước này suy giảm và các dự án quan trọng rơi vào đình trệ. Sự tháo chạy này càng khiến kinh tế khu vực Tây Phi, vốn đang trên đà phát triển mạnh mẽ trước khi dịch bệnh bùng phát, thêm phần tồi tệ.

 Về mặt chính trị, Liên Hợp Quốc khẳng định rằng dịch Ebola ở châu Phi đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế. Khi virus Ebola bắt đầu bùng phát, nhiều người dân trong khu vực đã phủ nhận sự tồn tại của virus và cáo buộc chính phủ dàn dựng một mưu đồ để thu hút viện trợ nước ngoài. Họ từ chối tuân thủ các quy định về sức khỏe cộng đồng, tiếp tục nghi thức chôn cất truyền thống và dùng đến các phương pháp chữa bệnh truyền thống. Điều này xuất phát từ sự mất niềm tin giữa chính phủ và nhân dân do một số sự kiện diễn ra trong quá khứ.

Vậy phản ứng của chính phủ lúc này ra sao? Ngoài việc kêu gọi viện trợ từ nước ngoài, các quốc gia Tây Phi vốn có số lượng binh sĩ nhiều hơn bác sĩ đã tăng cường quân sự với hy vọng chấm dứt dịch bệnh, mặc dù đây là một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, chính phủ đã thực thi kiểm dịch bằng cách triển khai nhân viên an ninh vũ trang và chặn tất cả các lối vào các khu ổ chuột. Những động thái này đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ người dân địa phương, dẫn đến các cuộc đụng độ. Không chỉ thế, những động thái này còn làm gia tăng căng thẳng giữa các chính phủ và các đảng đối lập ở Guinea và Sierra Leone khi cả hai đều đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử lớn.

 Sự bùng phát virus Ebola ở miền tây châu Phi đã phơi bày sự yếu kém của hệ thống y tế các nước này. Chuyên gia tổ Khoa học sức khỏe (MSH) - Dan Nelson - đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế như nhân viên y tế không đủ năng lực chuyên môn, hệ thống dữ liệu y tế còn nhiều thiếu sót và không đáng tin cậy, cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu và nhiều loại thuốc thiết yếu không được cung cấp. Tại thủ đô Monrovia của Liberia - một trong bốn trung tâm của dịch bệnh, hệ thống y tế bị sụp đổ khi các bệnh viện đóng cửa, nhân viên, người lao động và bệnh nhân bỏ chạy để trốn dịch. Các bác sĩ và nhân viên y tế nước này phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày với phụ cấp ít ỏi do phần lớn nguồn tài chính của các nước châu Phi được sử dụng cho mục đích quân sự trước sự bùng nổ bạo lực, tranh chấp và xung đột.

 Trước diễn biến phức tạp của virus Ebola, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường hợp tác, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Tây Phi. Anh là nước tiên phong khi thông báo sẽ viện trợ hơn 5 triệu USD nhằm giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế ở Sierra Leone và Liberia. Trung Quốc cũng đã gửi một máy bay hàng viện trợ tới Guinea, Sierra Leone và Liberia trị giá gần 5 triệu USD gồm thuốc men, quần áo bảo hộ y tế. Ủy ban châu u cũng đã thông báo sẽ hỗ trợ thêm 8 triệu Euro cho khu vực Tây Phi. Cùng với những công tác ngăn chặn dịch bệnh thì việc nghiên cứu thuốc đặc trị cũng là vấn đề cấp thiết, hãng dược phẩm Mapp Biopharmaceutical tuyên bố sẽ gửi toàn bộ số thuốc thử nghiệm ZMapp hiện có cho khu vực Tây Phi và nhấn mạnh chỉ có có các đội ngũ điều trị mới được phép đưa ra quyết định sử dụng thuốc trên.

Như vậy, dịch bệnh Ebola đã không dừng lại ở việc gây khốn khổ cho con người thông qua việc cướp đi sinh mạng mà còn có khả năng đưa người dân tại vùng dịch bệnh lâm vào hoàn cảnh khó khăn lẫn về kinh tế, tài chính và an ninh, biến các quốc gia Tây Phi vốn đã nghèo khó này lại càng lâm vào cảnh túng quẫn.

Tài liệu tham khảo:

Ibrahim Al-bakri Nyei, Beyond the Disease: How the Ebola Epidemic Affected the Politics and Stability of the Mano River Basin, at https://reliefweb.int/report/liberia/beyond-disease-how-ebola-epidemic-affected-politics-and-stability-mano-river-basin

Vijay Kumar Chattu, Politics of Ebola and the critical role of global health diplomacy for the CARICOM, at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5787937/

IV. ĐẠI DỊCH CORONA




Ngay sau khi Bắc Kinh ký hiệp định "ngừng bắn" với Washington, Trung Quốc phải đối mặt với đối thủ đang gây chấn động toàn cầu - virus Corona chủng mới với tên gọi SARS-CoV-2. Với mức độ lây lan nhanh chóng như hiện tại, mức độ tổn hại do đại dịch mới gây ra cho thế giới và Trung Quốc dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với thời bùng phát dịch SARS-1.

 Trung Quốc hiện nay là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế thế giới, do đó, hiệu ứng domino là không thể tránh khỏi: bất kỳ sự gián đoạn nào của Trung Quốc sẽ gây ra hệ lụy cho cả hệ thống thế giới. Cụ thể, tình trạng đóng cửa để hạn chế lây lan tại nước này khiến các nhà phân tích hạ thấp đánh giá và cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ rơi xuống mức tăng trưởng âm lịch sử trong quý 1 năm nay. Tình trạng phong tỏa ở nhiều khu vực trên thế giới cũng cản trở nỗ lực phục hồi của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đóng cửa, các chuỗi cung ứng của thế giới bị gián đoạn hàng loạt, tại thời điểm châu u đang phải đối phó với dịch bệnh, lượng cầu suy giảm cũng gây ra cú sốc kinh tế với Trung Quốc.

 Chưa dừng lại ở đó, dịch bệnh này còn gây ra những thách thức lớn về mặt chính trị cũng như quan hệ quốc tế, nhất là về mặt địa chính trị. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin về sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, về lợi thế cạnh tranh của mô hình mà họ đang theo đuổi, sau khi các mô hình phương Tây bị hoài nghi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Liệu virus corona có thể đảo ngược tình hình?

Bên cạnh những thách thức, COVID-19 cũng đem lại cho thế giới những cơ hội để thay đổi, để chuyển mình.

 Đầu tiên, đây là cơ hội để “phi Trung Quốc hóa” kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các quốc gia phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, châu u có nhiều con át chủ bài trong tay để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, bởi Châu u cần hàng Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng lệ thuộc nhiều hơn vào mức cầu của Châu Âu. Thành công “phi Trung Quốc hóa” nền kinh tế sẽ giúp những nước này vừa giảm bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, vừa ưu tiên cho sự tăng trưởng trong nước, đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm, sản xuất nội địa, nâng cao sức mua của người dân.

 Thứ hai, đối với giới tài chính, đây có thể là cơ may để điều chỉnh tình trạng bất cân bằng trong xu hướng toàn cầu hóa. Chuyên gia nghiên cứu tài chính vĩ mô ở Luân Đôn Nicolas Goetzmann dẫn chứng: “Toàn cầu hóa thực tế là Trung Quốc hóa gần như toàn bộ kinh tế thế giới”. Trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2018, Trung Quốc tăng từ 3% GDP thế giới lên 18%. Trong khi đó, không một nước nào lên tới 4%.

 Thứ ba, đây có thể là thời điểm tốt cho nhiều nước nhìn lại và thấy rõ các điểm yếu của nền kinh tế để có biện pháp tái cơ cấu cho hợp lý. Từ đó, các nước này có thể xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng thích ứng với các biến động nhiều hơn. Đại dịch COVID-19 cũng sẽ là một lời nhắc nhở đáng giá đối với các công ty rằng họ cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để có thể sống sót trong điều kiện kinh doanh khắc nghiệt như hiện tại.

Tóm lại, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến cho kịch bản kinh tế toàn cầu ảm đạm trong năm 2020 đang trở nên rõ nét. Bên cạnh những khó khăn không thể chối bỏ, COVID-19 cũng mang lại cho thế giới những cơ hội mới. Trong bối cảnh hiện tại, chính quyền Bắc Kinh sẽ tập trung giải quyết dịch bệnh và mất một khoảng thời gian nữa để nước này khắc phục được hậu quả mà COVID - 19 để lại. Đây là thời điểm thích hợp để các nước chuyển mình và tái cơ cấu nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn.

Tài liệu tham khảo:

Chris Miller, COVID-19 Crisis: Political and Economic Aftershocks, at https://www.fpri.org/article/2020/03/covid-19-crisis-political-and-economic-aftershocks/

Minh Anh, Tác động đa diện của virus corona chủng mới đến kinh tế và địa chính trị thế giới, at

https://baoquocte.vn/tac-dong-da-dien-cua-virus-corona-chung-moi-den-kinh-te-va-dia-chinh-tri-the-gioi-109408.html

Comments

Popular posts from this blog

TRUYỀN THUYẾT 9 ĐỨA CON CỦA RỒNG – LONG SINH CỬU PHẨM

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - ĐỨC PHẬT GIỮA HOÀNG TRIỀU

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN