CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI (PHẦN 2)


II. Từ Thành Đạo tới nhập Niết Bàn:

1)- Đức Phật hành Đạo

Sau khi thành Đạo, đức Phật quán khắp Vũ trụ, Ngài thấy có vô lượng thế giới, quán chúng sinh Ngài biết mỗi chúng sanh đều có Phật tính (tánh), vì chúng sinh ngụp lặn trong si mê tối tăm nên phải trầm luân trong biển sinh tử luân hồi không có ngày ra khỏi. Ngài quán và biết rằng con người hiểu được giáo lý nếu Ngài nói ra, và có người kham nhận được sự tu hành. Do đó, đức Phật quyết định sẽ giáo hóa chúng sinh cho dù có khó khăn như thế nào đi nữa. Ngài cũng phải làm nhiệm vụ của bậc Phật như tất cả chư Phật trong Vũ trụ đã làm, đang làm và sẽ làm để dẫn dắt chúng sanh ra khỏi khổ đau và được giải thoát. Sự hoằng pháp của đức Phật trên ba nguyên tắc:

a)- Hành Đạo theo thứ lớp:

Bắt đầu đức Phật nghĩ đến việc độ cho các bậc thiện tri thức là những người không còn nhiều trần cấu nhiễm ô, nghĩ đến đạo sĩ Alamara Kalama là vị đạo sư mà lần đầu tiên Ngài tìm đến tham học. Ngài dùng tuệ nhãn được biết vị này mới từ trần bảy ngày, Đức Phật lại nghĩ đến Uddaka Ramaputta là vị thứ hai, dùng mắt Phật nhìn, Ngài thấy vị này cũng vừa qua đời mới có một ngày!
1- Ba tháng đầu : Đức Phật nghĩ đến năm vị đồng tu khổ hạnh, Ngài bèn đi đến vườn Lộc Uyển xứ Benares gặp năm vị này là Kiều trần Như (Kondana), Bạc Đề (Bhaddiya), Thập Lực (Vappa), Ma ha Nam (Mahãnãma), và Ác Bệ (Assaji).
Lúc đầu, năm vị thấy đức Phật đến đều tỏ ra nghi ngờ và chỉ trích lối sống của Ngài, Đức Phật phải giải thích đến lần thứ ba rằng: “Không có vấn đề sống xa hoa trở về đời sống lợi dưỡng, Ta chỉ làm sao cho thân thể đủ sức chịu đựng để hành thiền kiên cố mà thôi. Đó là con đường trung đạo cần phải theo, và bây giờ Ta đã thành Đạo, đạt qủa vô sinh bất diệt, nếu người nào hành đúng như lời Như Lai dạy cũng sẽ chứng ngộ. Hơn nữa, nếu Như Lai không biết các ông ở đâu, làm sao tìm đến đây được?; vả lại, Ta chưa bao giờ nói những lời này với các ông, như vậy các ông đủ hiểu rồi”; bấy giờ năm vị mới tin, bỏ lối tu khổ hạnh và nghe Giáo pháp của Ngài.
Bài giảng đầu tiên là “Bốn Diệu đế”, do “Sinh, già, bệnh, chết” nên khổ, muốn khỏi khổ phải tìm nguyên nhân của khổ là do “Tham, sân, si …”, và phải diệt khổ bằng “Tám Chính đạo” là “Chính Kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính mệnh, Chính nghiệp, Chính tinh tấn, Chính niệm, và Chính định”. Cả năm vị học và hành trì dần dần đều đắc quả Thánh, nhưng vị đắc qủa A La Hán (Quả Ariya là quả A La Hán, Ariya có nghĩa là cao qúy) đầu tiên là Ngài Kiều Trần Như.
Thời ấy, tại Ấn Độ, ngoài quan điểm sống theo lối khổ hạnh để giác ngộ, còn có quan niệm cho rằng con người chết là hết, linh hồn và thân xác tan biến, tất cả chẳng còn gì. Hãy ăn uống tận hưởng mọi lạc thú ở đời, không cần biết đến đạo đức, khoái lạc là thực tế, không cần phải kiểm soát dục vọng. Không có luân hồi, không có tái sinh, không có qủa báo thiện ác, tất cả chỉ là bản năng tự nhiên mạnh được yếu thua v.v… Do đó, đức Phật đã phải đối phó với các quan điểm sai lầm ấy.


2- Thiết lập Tăng đoàn: 
Sau khi có năm đệ tử, đức Phật giáo hóa 55 Bà la môn mà ông Da xá (Yasa) là người dẫn đầu, số người này cùng với năm vị đầu tiên hợp lại là 60 và kể như thiết lập Tăng đoàn từ đây.,Ngài dạy về “Bốn Diệu Đế” và “Tám Chính Đạo”. Cha mẹ và vợ của ông Da Xá là Phật tử tại gia đầu tiên của đức Phật. Sau ba tháng 60 vị đệ tử Phật đầu tiên này đã hành trì vững chắc và giữ giới luật đầy đủ, đều đắc A la Hán, Đức Phật thọ ký và cho các vị ấy đi hành đạo các nơi.
3- Thu nhận hàng loạt đệ tử:
 Còn Ngài đi xuống phiá Nam đến xứ Ưu Đầu Tuần La, thu phục Rắn lớn dữ trong phòng thờ lửa của người đứng đầu Đạo thờ Thần lửa là Uruvela Ca Diếp (Uruvelã Kassapa), vị này đem 500 đệ tử cùng xin xuất gia theo đức Phật tu hành. Vị này có hai người em đều ở mỗi người một nơi, một người tên Nadi Ca Diếp (Nadĩ Kassapa) có 300 đệ tử, và Gaya Ca Diếp (Gayã Kassapa) có 200 đệ tử. Cả hai người cũng thờ Thần lửa, khi thấy người anh đã theo đức Phật tu hành, họ cùng với đệ tử đến theo Ngài tu hành.
Ngài giảng cho 1000 đệ tử này về: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nằm trong lửa, lửa từ tham ái, sân hận, si mê, sinh già bệnh chết, buồn phiền, đau khổ, tuyệt vọng; hãy quán nhàm chán hình sắc âm thanh, hương vị xúc, chán luyến ái. Do sự nhàm chán dứt khoát ấy, được giải thoát. Tất cả hành trì dũng mãnh nên đều chứng qủa Thánh.
4- Thu nhận hai đệ tử quan trọng: 
Sau khi thu nạp hơn 1000 đệ tử, đức Phật đến nước Ma Kiệt để thực hiện việc hứa với Vua Tần Bà Xa La là “Khi đắc Đạo sẽ trở lại”; khi Vua biết Ngài đã đắc Đạo rồi, mừng rỡ và cúng dường Phật và Đại chúng Đạo tràng “Trúc Lâm”.
Lúc ấy, Xá Lợi Phất (Upatissa) và Mục Kiền Liên (Kolita) cư ngụ gần thành Vương Xá (Rãjagaha), là bạn với nhau, có chí học đạo, đã tìm đến nhiều thầy, và học hết chữ thầy rồi cũng chưa thỏa mãn. Một hôm, Xá Lợi Phất thấy một Sa Môn đang đi khất thực trong thành Vương Xá với oai nghi của bậc Thánh nhân, nên để ý và đến hỏi. Vị này cho biết tên là Ác Bệ (Assaji) và qua câu chuyện, Xá Lợi Phất được Tôn giả Ác Bệ cho biết giáo pháp vắn tắt đã học là “Tất cả ở đời đều do nhân duyên sinh, Như Lai chỉ rõ nhân duyên ấy và cách diệt, đó là giáo huấn của vị Đại Sa Môn”; nghe những lời ấy, Xá Lợi Phất thấy trí tuệ bừng sáng, nên hỏi tiếp và được biết vị Đại Sa Môn đang ở “Rừng Trúc”.
Xá Lợi Phất liền đến tìm Mục Kiền Liên nói lại cơ duyên của mình và nói những lời Tôn giả Ác Bệ đã nói, Mục Kiền Liên nghe rồi cũng tỏ sáng vô cùng. Hai người hân hoan đem theo một số bạn đến Trúc Lâm xin xuất gia học đạo, đều được đức Phật thu nhận. Chỉ trong ít ngày cả hai vị đều đắc A La Hán, được đức Phật ấn khả cho hai vị Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là thượng thủ bậc nhất.
Sau đó đức Phật gặp Trưởng giả Cấp Cô Độc là người giầu có bậc nhất tại nước Xá Vệ. Trưởng giả đã phát tâm rộng lớn xây cất Đạo tràng Kỳ Hoàn ở phiá Bắc Ấn Độ để cúng dàng Ngài và đại chúng Tăng.
5- Trở về thăm quê hương:
 Lúc ấy vua Tịnh Phạn (Suddhodana) nghe tin Ngài đã thành Phật, liền sai sứ giả đi mời Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavathu); nhưng chín lần cử chín sứ giả đi mà không có người nào trở lại, vì các vị này đến được đức Phật thuyết pháp nghe rồi ở lại xin xuất gia học Đạo. Tới vị thứ mười tên Tu Đà Di (Kãludãyi), vị này cũng ở lại học đạo, nhưng vẫn nhớ lời Vua, nên sau khi đắc đạo bèn thỉnh Phật về thăm Vua.
Dọc đường trở về nơi sinh thành trong hai tháng, gặp người nào đức Phật cũng giáo hóa độ cho hết thảy, khi về tới thành Ca Tỳ La Vệ, đức Phật chỉ ở lại có bảy ngày, nhưng đã giáo hóa tất cả hoàng gia. Tại đây lúc đầu vì có sự nghi ngờ của các bậc cao niên, nên Ngài đã dùng thần thông bay ngồi trên không, làm lửa và nước từ toàn thân phát ra. Sau đó có nhiều vị trẻ trong hoàng gia theo Ngài xuất gia tu đạo, như Nan Đà, A Nan Đà, A La Luật, La Hầu La là con ruột của Ngài lúc ấy mới bảy tuổi, v.v…
Không bao lâu sau, đức Phật biết Vua cha bệnh sắp qua đời liền về thăm, thấy Vua buồn rầu, Ngài nói về lý “vô thường, khổ, không, vô ngã”; nghe xong, gương mặt vui tươi, Vua cất tiếng niệm Phật rồi băng hà nhẹ nhàng. Sau khi Vua Băng hà, Hoàng hậu Ma ha Bà Xà Ba Đề (Mahã Pajãpaĩ) có con trai là Nan Đà (Nanda) đã xuất gia, và con gái tên Nan Đề (Nandã) (về sau cũng xuất gia), bà xin xuất gia lấy tên là Đại ái Đạo. Công chúa Da Du Đà La là vợ của Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng xin xuất gia, Bà Đại Ái Đạo nhờ Tôn giả A Nan xin giùm đức Phật chấp nhận cho bà được xuất gia và thành lập Ni đoàn với điều kiện phải tuân thủ giới luật do đức Phật đặt ra.

b)- Tùy phương tiện:

Trong suốt đời đức Phật hành đạo, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có những lúc Ngài phải đương đầu với những khó khăn chống đối; sự chống đối này thường là do những đạo sư của những ngoại đạo, tà đạo mê tín, và ngay cả những người muốn tranh giành ảnh hưởng với Ngài, nhưng tất cả đều được Ngài giải quyết êm xuôi.
1- Đối phó với khó khăn: 
Như có lần bị Bà la môn chửi bới thậm tệ, Ngài làm thinh không trả lời. Chửi bới một lúc thật lâu không thấy đức Phật phản ứng gì cả, người ấy hỏi: “Sao ông bị chửi như thế mà không trả lờì?” Ngài hỏi lại để đáp: “Nếu ông đem tặng qùa cho người khác mà người đó không nhận, qùa ấy thuộc về ai?”. Người ấy trả lời: “Qùa ấy thuộc về tôi”. Ngài bảo: “Lời ông chửi từ nãy đến giờ tôi không nghe, không nhận, trả lại cho ông”, lúc đó người ấy mới thôi chửi. Cũng có trường hợp tương tự như thế, nhưng đức Phật trả lời cách khác là : “Những lời chửi rủa cũng như người nhổ nước bọt từ miệng phun ra ngược chiều gió, chỉ làm dơ mặt người nhổ mà thôi”.
Có lần, con gái của ngoại đạo mang cái bụng to tướng đến la lối trước mọi người rằng “Cái bào thai trong bụng mà tác giả là Sa Môn Cù Đàm”, và đòi phải giải quyết ổn thỏa; Đức Phật chỉ làm thinh, rồi Ngài dùng thần thông làm rớt cái bụng giả của cô gái ra, mọi người cười ồ, cô gái xấu hổ cúi đầu đi mất, không dám nhìn lại.
Trong hạ thứ 20, đức Phật gặp Angulimala là người đã chặt 999 ngón tay của 999 người. Ngài dùng thần thông khiến kẻ ác không thể đuổi bắt Ngài được đến kiệt sức mà phải thốt lên: “Sa Môn, hãy dừng lại”. Ngài đáp: “Ta đã dừng từ lâu, còn ông chưa dừng bước”. Angulimala nói: “Tôi đã dừng rồi, Sa Môn còn đi, tại sao ông lại nói rằng tôi không dừng, còn ông đã dừng, tại sao ông nói thế?” Ngài đáp: “Như lai đã dừng luôn và mãi mãi, Như Lai đã dứt bỏ không còn hành hung một sinh vật nào, còn ông tiếp tục sát hại đồng loại với bàn tay đẫm máu, vì vậy Như Lai đã dừng và ông chưa dừng”. Nghe đến đó, Angulimala quăng bỏ hết vũ khí, đi đến gần đức Phật qùy lạy xin Ngài chấp thuận cho được theo học đạo, và đã được Ngài chấp thuận, sau đó Angulimala tinh tấn tu hành không bao lâu đắc qủa A La Hán.
2- Chấn chỉnh Tăng đoàn: 
Ngay cả trong Tăng đoàn, cũng có nhiều vấn đề, như lúc đầu Tăng chúng ăn uống không có khuôn khổ chừng mực, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối đủ cả. Đức Phật căn cứ vào những sự phiền hà và sự cần thiết cho việc tu hành, dần dần Ngài lập ra giới cấm càng ngày càng đầy đủ chặt chẽ hơn như chỉ ăn mỗi ngày một bữa trước buổi trưa.
Một việc xảy ra do Đề Bà Đạt Đa là em con cô và là em vợ của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Vì muốn giành quyền đứng đầu Tăng đoàn mà Đề Bà đã làm nhiều việc không hay đối với đức Phật, như lăn đá trên sườn núi, dùng voi say, hay bôi thuốc độc vào móng tay để mong hại Ngài, nhưng đều thất bại, đến nỗi bị chết và đọa vào Địa ngục.

Đối với việc tu hành của tu sĩ, đức Phật đã tùy trường hợp để chỉ dạy, chứ không nhất thiết phải theo một đường lối nhất định cho mọi người. Đối với người thông minh hay đần độn, Ngài đều có những cách khác nhau để hướng dẫn. Như Tôn giả Chu Lợi Bàn Dặc Ca đần độn tụng một bài kệ bốn câu trong ba tháng không thuộc, khi sai đầu, khi quên đuôi, đức Phật thấy thế ban cho cách “đếm hơi thở ra vào lần đầu đếm một, hơi thở ra vào lần thứ hai đếm hai, cứ thế đếm đến mười, rồi lại đếm từ một đến mười như thế mãi mãi”. Sau đó ít lâu Tôn giả thấy tâm thanh tịnh không một gợn sóng, v.v…,được Phật chứng cho đạt bậc Thánh.
Tôn giả Đà La Nan Đà thường hay loạn động vì nghĩ đến tham dục, đức Phật dạy quán tướng trắng trên đầu chót mũi. Tôn giả La Vân hay buồn phiền lo nghĩ, đươc đức Phật dạy quán biết hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vào dài biết hơi thở vào dài, hơi thở ra ngắn hay lạnh, hay nóng, đều biết hơi thở ra ngắn hay lạnh, hay nóng v.v…; cả hai Tôn giả chỉ trong thời gian ngắn là đắc qủa A La Hán. Đối với hết thảy các đệ tử trong khi tu hành ở mọi nơi, Ngài quán sát mỗi ngày, rồi dùng thần thông đến chỉ bảo.

c)- Theo tinh thần bình đẳng:
Tinh thần bình đẳng là một điểm son trong giáo lý của đức Phật, trong Tăng đoàn có đủ các thành phần trong xã hội; từ người thuộc giai cấp cao nhất như hàng hoàng gia quyền bính, Bà la môn qúy tộc, đến hàng dân giả nghèo nhất đều có mặt tu hành và cùng đạt quả Thánh.
2)- Hành Đạo hàng ngày:
Chương trình mỗi ngày của đức Phật thật khít khao không có kẽ hở, từ 5 giờ sáng ra khỏi phòng thất, làm vệ sinh tắm rửa, xong ngồi quán sát, hoặc đi kinh hành xong quán sát thế gian xem có ai (kể cả các đệ tử ở khắp các nơi) cần độ trong nhân gian, Ngài dùng thần thông đến liền. Tới 9 giờ sáng thuyết pháp cho chúng Tăng. Từ 10 hoặc 11 giờ đi khất thực, đi thụ trai nếu có người thỉnh. Sau khi thọ trai về, Ngài nằm nghiêng bên phải định thần một lúc, tới 1 giờ chiều, Ngài nhập Đại Bi Định quán sát thế gian. Từ 2 hoặc 3 giờ chiều thuyết pháp cho thiện nam tín nữ, Ngài dùng Phật nhãn để nhìn vào tâm tính mỗi người mà tùy căn cơ hóa độ. Từ 7 giờ tối Ngài giảng và giải thích thắc mắc cho đệ tử đề tài thiền, tới 9 giờ tối, Ngài ngồi quán sát thế gian, có khi đi kinh hành xong ngồi nhập Đại Định. Từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, Ngài nhập Đại Định, rải tâm Từ khắp chúng sinh. Nhiều đêm các vị Trời từ các tầng Trời thường hay đến chiêm bái và học giáo lý của đức Phật. Tất cả các buổi tham bái ấy đều xảy ra vào từ nửa đêm đến khoảng bốn giờ sáng. Như có lần Vua Trời Đạo Lợi, cũng gọi là Đế Thiên Thích, mà người đời gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế đến tham bái đức Phật trong lúc Ngài đang nhập Định lửa tam muội trong động Nhẫn Đà Bà Là khiến cả vùng núi Tỳ Đà đỏ rực một màu lửa. Như vậy về đêm Ngài thường nhập Đại Định và quán sát thế gian, vũ trụ, hoặc tiếp dạy các vị Trời. Từ 4 giờ sáng Ngài nằm nghiêng bên phải định thần đến 5 giờ sáng.
Mỗi năm đức Phật đi hành đạo giáo hóa suốt chín tháng không mưa, còn ba tháng mưa, Ngài an cư tại một đạo tràng trong nước Ấn Độ, gọi là “An cư kiết hạ”.Suốt 45 năm, dấu chân đức Phật và các đệ tử của Ngài khắp xứ Ấn Độ, ở đâu Ngài và đệ tử cũng được đón nhận chào mừng; từ hàng vua quan đến dân giả, từ người già cả đến các trai trẻ, từ nam tới nữ, từ người giàu đến kẻ nghèo, đều tắm gội trong ánh sáng trí tuệ và gió mát từ bi do Ngài ban rải khắp cùng. Nơi nào có mặt Ngài và đệ tử Ngài, là nơi đó tà giáo, ngoại đạo lui xa, tan biến như bóng tối, sương mai trước ánh mặt trời hiện.
3)- Các thời nói Kinh:
Sự nói Kinh được các Phật tử sau này chia ra làm năm thời như sau:
1- Thời thứ nhất: Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, khi mới thành đạo. Ngài nói Kinh này để vạch chân tánh, chỉ rõ chỗ cao siêu nhiệm mầu của Đạo Phật
2- Thời thứ hai: Đức Phật nói Kinh A Hàm, thời kỳ này dài 12 năm đầu để dạy về tự tu, tự độ cho mình.
3- Thời thứ ba: Đức Phật dạy Kinh Phương Đẳng, thời này dài 8 năm kế. Đức Phật nói: “Đã tự độ rồi, còn phải độ tha”, tức là độ mình và độ cho người, trình độ các đệ tử cao hơn một bậc.
4- Thời thứ tư: Đức Phật nói Kinh Bát Nhã, thời này kéo dài 17 năm; tới thời này, trình độ dạy giáo thuyết cao hơn nữa, tiến tới giáo thuyết chân không, vũ trụ, thật tướng, vô tướng của các pháp.
5- Thời thứ năm: Đức Phật nói Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, thời kỳ này dài 8 năm; khi ấy các đệ tử Phật đã thuần thục, có thể gánh vác việc đạo, nên Ngài giảng việc thị hiện vì bản nguyện “Khai thị chúng sinh nhập tri kiến Phật”. Ngài thụ ký cho 1250 đệ tử sẽ thành Phật tùy căn cơ mỗi người mà thọ ký mau hay lâu, và việc thuyết pháp độ sinh của Đức Phật đã đầy đủ viên mãn.
4)- Đức Phật nhập Niết Bàn:
1- Đức Phật tuyên bố nhập Niết Bàn trước ba tháng: Việc độ chúng sanh đã viên mãn, Ngài chứng tỏ cho mọi người: “Xác thân vô thường”, vì xác thân do bốn đại: “đất, nước, gió, lửa” tạo thành trở về với bốn đại, cũng như chiếc xe lâu ngày phải cũ hư. Đó là lý vô thường đương nhiên phải như thế, cái còn lại là giáo lý chân thật, bất hư mà đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm; giáo lý chân thật đầy đủ cho mọi người theo đó học hỏi hành trì để đạt được chân lý giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
2- Đức Phật nói Kinh Di Giáo: Ngài dặn Tôn giả A Nan là Thị giả của Ngài rằng: “Sau khi Ta Nhập Niết Bàn, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chính pháp, đừng thắp lên với giáo pháp nào khác. Hãy nương tựa nơi chính mình, đừng nương tựa với một pháp nào khác”, Ngài nói tiếp: “Ái ân là vô thường, nếu có xum hợp, phải có chia lià; nhất là thân này không phải ta, mạng sống không tồn tại mãi mãi được”.
3- Đức Phật nhập Niết Bàn: Ngài nhập Niết Bàn tại rừng Ta La nước Câu Thi La giữa hai cây Long Thọ vào nửa đêm ngày mồng 8 tháng hai âm lịch, năm 543 trước Dương lịch. Sau đó được dân chúng Mạt La thành Câu Thi cùng các đệ tử Phật cúng dàng thân Phật, rồi trà tỳ (thiêu) và chia Xá Lợi Phật cho 8 (tám) nước rước về xây tháp để mọi người chiêm bái, cúng dường.








Comments

Popular posts from this blog

TRUYỀN THUYẾT 9 ĐỨA CON CỦA RỒNG – LONG SINH CỬU PHẨM

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - ĐỨC PHẬT GIỮA HOÀNG TRIỀU

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN