CHỢ TÌNH KHÂU VAI – HÀ GIANG



Khi nhắc đến vùng núi phía bắc Việt Nam, có lẽ rằng người ta sẽ nghĩ ngay đến những cánh rừng đại ngàn bao trùm khắp những ngọn núi. Nơi có những cao nguyên đồ sộ bậc nhất bên những cung đèo uốn lượn ôm bên hông các sườn núi hiểm trở. Có lẽ vì thiên nhiêu hùng vĩ là thế, hoang dại là thế nên con người nơi đây cũng phóng khoán và hồn hậu đến lạ. Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi ta đến với vùng đất địa đầu cực bắc tổ quốc – Hà Giang.

Đến với Hà Giang ta như đắm chìm trong trong sự thiêng liêng tự hào tổ quốc dưới chân cột cờ Lũng Cú, tan chảy hòa quyện vào thế giới mới ở cao nguyên đá Đồng Văn hay lạc bước vào những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch rực rỡ nơi núi rừng. Không những thế ta còn được tham gia vào những không gian văn hóa, sinh hoạt của những người dân hiền lành, chất phác nơi đây. Có như thế ta mới thấy những con người miền núi cao không chỉ mang trong mình nét hoang dại vốn có mà họ còn có một cuộc sống rất tình, rất sâu sắc thủy chung.


Chợ tình Khâu Vai là một nét nổi bật của vùng đất và con người Hà Giang. Nơi mà con người miền rừng núi thể hiện cái tình của họ, một “phiên chợ” đặc biệt riêng có của vùng đất Hà Giang nổi tiếng, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 180 km, ở cuối con đường đèo. Mỗi năm một lần, vào ngày 27/3 âm lịch, trai bản trên, gái bản dưới lại gặp gỡ, giao lưu với nhau để họ kể cho nhau nghe những câu chuyện tình lãng mạn, họ tâm tình với nhau bên tiếng sáo tiếng khen… và họ cùng nhau ôn lại câu chuyện tình thủy chung son sắc, lãng mạn nhưng đầy đau thương bi đát – câu chuyện về chợ tình Khâu vai.

Sự tích chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.

Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út, phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.

Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3- ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái.


Khâu Vai là phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên toàn thế giới. Từ chiều 26/3 âm lịch từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi từ sớm hơn.

Từ buổi chiều 26/3 âm lịch, trên các con đường mọi người vui vẻ rủ nhau xuống chợ. Có những người ở xa, họ vượt núi vượt đèo tìm về bến đợi yêu thương. Cả khu chợ trở nên rực rỡ chiếc áo đầy sắc màu của các cô gái dân tộc trong trang phục thổ cẩm truyền thống cùng những gương mặt rạng ngời, háo hức của các chàng trai đợi bạn bên bát rượu ngô.


Khi màn đêm buông xuống, những điệu hát lượn, hát phưn, tiếng khèn Mông gọi bạn tình tha thiết khiến không gian trở nên thơ mộng. Trong phiên chợ tình đông đúc, xuất hiện cả những gương mặt đã vào cái tuổi xế chiều vẫn đi chợ tình để mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau rằng: Dạo này khỏe không? Cây ngô, cây đậu trồng có tươi tốt? Họ gặp nhau để cùng nói về những câu chuyện giản đơn thế thôi. Hay có những người đi chợ tình chỉ đế gặp bạn bè để cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy, để chếnh choáng theo men rượu, theo những cuộc vui…

Đặc biệt là có nhiều đôi vợ chồng đi cùng nhau nhưng khi đến chợ mỗi người đi tìm bạn của mình. Họ không hề ghen ghét với nhau mà họ tôn trọng nhau, tôn trọng những phút giây tìm về quá khứ của nhau. Tất cả khoảng thời gian họ gặp lại người cũ sẽ khép lại sau ngày 27/3 âm lịch.

Chợ tình Khâu Vai còn mang nét đẹp văn hóa sâu sắc chứa đựng giá trị nhân văn – Đó không chỉ là nơi tìm về của những người con gái con trai yêu nhau nhưng không lấy được nhau, mà đã trở thành một điểm hẹn của tình yêu, của những trái tim đang kiếm tìm hạnh phúc.

Huyện Mèo Vạc tổ chức Lễ hội Chợ tình diễn ra trong 3 ngày (từ 25 – 27/3 âm lịch) hàng năm với các hoạt động văn hóa: quan sát người dân tộc dệt vải lanh, làm khèn Mông, đan quẩy tấu lễ dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà; hội thi đua ngựa… Khách du lịch sẽ còn được trải nghiệm cưỡi ngựa; đẩy đưa tâm hồn trong điệu hát giao duyên, múa khèn; được hòa mình vào các trò chơi dân gian như đẩy gậy, tung còn và các chương trình văn nghệ ca hát…

Bên cạnh đó, khách du lịch có thể đến với chợ đêm Mèo Vạc, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống nổi tiếng của nơi đây như: thắng cố, mèn mén, thịt bò khô, lạp sườn, rượu ngô, thịt lợn hun khói tại các Homestay ở Hà Giang.

Chính sự giao thoa từ quá khứ đến hiện tại hòa với sự vương vấn dư âm của chuyện tình huyền thoại trên Cao nguyên đá Đồng Văn cộng với một chút hiện đại của đời sống hôm nay mang lại đã tạo nên sức hút mạnh mẽ của phiên chợ này.


Comments

Popular posts from this blog

TRUYỀN THUYẾT 9 ĐỨA CON CỦA RỒNG – LONG SINH CỬU PHẨM

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - ĐỨC PHẬT GIỮA HOÀNG TRIỀU

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN